Thời hạn trả lương là một trong những nội dung được quy định trong HĐLĐ, tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp vẫn thường xuyên để xảy ra tình trạng chậm lương nhân viên. Vậy nếu cố tình trả lương chậm cho nhân viên, doanh nghiệp có bị phạt không? Mức phạt theo quy định mới nhất là bao nhiêu? Để mọi người hiểu về vấn vấn đề này Luật Đại Nam xin có bài viết về Chậm trả lương nhân viên, doanh nghiệp có bị phạt?
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động số: 45/2019/QH14 của Chính phủ ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực ngày 01/01/2021.
- Nghị định Số: 11/2016/NĐ-CP
- Nghị định 140/2018/NĐ-CP
- Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH
Quy định về trả lương cho người lao động
Căn cứ theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc khi trả lương như sau:
- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Theo đó, nguyên tắc tiên quyết của việc trả lương là phải “đúng hạn và đầy đủ”, do đó việc chậm trả lương là một trong những hành vi vi phạm nguyên tắc trên.
Người lao động được trả lương vào lúc nào?
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Đồng thời, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán. Điều 97 BLLĐ năm 2019 đã hướng dẫn về kỳ hạn trả lương của từng hình thức này như sau:
Nếu trả lương theo thời gian:
- Với người hưởng lương giờ, ngày, tuần: Được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Với người hưởng lương tháng: Được trả lương 01 lần/tháng hoặc nửa tháng một lần.Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
Nếu trả lương theo sản phẩm hoặc khoán:
Lương được trả theo kỳ hạn đã thoả thuận của hai bên. Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Doanh nghiệp nợ lương bao lâu thì bị phạt?
Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp bởi người lao động.
Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm phải trả đủ lương vào đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động cho biết, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày…
Như vậy, nếu như có lý do bất khả kháng và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng doanh nghiệp vẫn không thể trả lương đúng hạn thì được chậm trả tối đa 30 ngày.
Từ những căn cứ trên, có thể xác định khoảng thời gian chậm lương khiến cho doanh nghiệp bị phạt như sau:
- Có lý do bất khả kháng: Chậm lương từ 31 ngày so với kỳ hạn sẽ bị phạt.
- Các trường hợp còn lại: Chậm lương từ 1 ngày so với kỳ hạn là bị phạt.
Không trả lương đúng hạn, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?
Nếu không trả lương đúng hạn theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
- Từ 05 – 10 triệu đồng: Chậm lương của 01 – 10 người lao động;
- Từ 10 – 20 triệu đồng: Chậm lương của 11 – 50 người lao động;
- Từ 20 – 30 triệu đồng: Chậm lương của 51 – 100 người lao động;
- Từ 30 – 40 triệu đồng: Chậm lương của 101 – 300 người lao động;
- Từ 40 – 50 triệu đồng: Chậm lương của 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động.
Mức lãi suất sẽ được tính theo lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vi phạm.
Mức phạt này được áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi mức nêu trên (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12).
Doanh nghiệp chậm lương, làm thế nào để đòi lại quyền lợi?
Để đòi đủ tiền lương của mình, người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau:
Cách 1: Khiếu nại
Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trước hết, người lao động phải gửi đơn khiếu nại đến chủ doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết tiền lương. Nếu doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì mới gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nhưng trước hết phải hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải thực hiện hòa giải thông quan Hòa giải viên lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nếu hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì được yêu cầu khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Chậm trả lương nhân viên, doanh nghiệp có bị phạt? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM