Đăng ký kết hôn có cần sổ hộ khẩu không

by Trần Giang

Để thực hiện được việc đăng ký kết hôn thì các chủ thể phải đáp ứng được các điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Sau đó cần phải biết được bản thân cần chuẩn bị những giấy tờ tài liệu gì để đăng ký kết hôn. Hiện nay, sau khi Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực, rất nhiều thủ tục trước kia cần sử dụng tới Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã có sự thay đổi. Vậy, Đăng ký kết hôn có cần sổ hộ khẩu không? cùng Luật Đại Nam tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  • Luật Hộ tịch năm 2014;
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Đăng ký kết hôn có cần sổ hộ khẩu không?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

“Quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch

1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.”

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký hộ tịch gồm:

“Nội dung đăng ký hộ tịch

1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:

a) Khai sinh;

b) Kết hôn;

c) Giám hộ;

d) Nhận cha, mẹ, con;

đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;

e) Khai tử.”

Theo quy định khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:

“3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.”

Như vậy, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết giá trị sử dụng. Đăng ký kết hôn là đăng ký hộ tịch nên khi đến Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi cư trú thì mọi người không cần phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Thủ tục đăng ký kết hôn hiện nay như thế nào?

Thủ tục đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau:

– Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn;

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được UBND cấp xã nơi cư trú cấp;

– Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật (nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn);

– CMND, hộ chiếu, thẻ CCCD hoặc giấy tờ khác có dán ảnh.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn 

Người có yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn sẽ nộp hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền; hồ sơ phải nộp gồm có tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Sau khi nhận được hồ sơ thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu những thông tin trong  tờ khai và tính hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ viết giấy tiếp nhận trong đó có ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;

Nếu hồ sơ đăng ký kết hôn chưa đầy đủ cần hoàn thiện thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; nếu không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn trong đó có nêu rõ loại giấy tờ và nội dung cần phải  bổ sung sau đó ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.

Bước 3: Xét xét thẩm định hồ sơ đăng ký kết hôn

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn đầy đủ hợp lệ thì công chức tư pháp hộ tịch báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn.

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và trả kết quả

Khi trả kết quả đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp hộ tịch sẽ hướng dẫn hai bên nam, nữ kiểm tra nội dung trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Nếu các bên thấy nội dung đúng với hồ sơ đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp hộ tịch cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ và hướng dẫn các bên cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.

Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ, mỗi bên sẽ được nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Đăng ký kết hôn có cần sổ hộ khẩu không? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488