Điều kiện thành lập công ty cổ phần

by Lê Vi

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay xuất phát chính từ nhu cầu khách quan phát triển kinh tế – xã hội cần có sự liên kết vốn. Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp duy nhất có quyền phát hành cổ phiếu và được tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ thắc mắc của các bạn về Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Căn cứ pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020

Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần được quy định cụ thể tại Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020, trong đó:

  • Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Ngoài ra, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.

Như vậy, công ty Cổ phần là doanh nghiệp phải đáp ứng được các đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chấp thuận.

Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Điều kiện về chủ sở hữu công ty cổ phần

Theo quy định của pháp luật, việc thành lập, đăng ký doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam là quyền của các cá nhân, tổ chức và được nhà nước bảo hộ.

Luật nghiêm cấm các cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà cho người thành lập doanh nghiệp.

Những trường hợp ngoại lệ không được đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần nói riêng:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Điều kiện về đặt tên công ty cổ phần

Đặt tên doanh nghiệp là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sau này của doanh nghiệp.

  • Tên doanh nghiệp là hình ảnh thu hút khách hàng và là đặc trưng để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
  • Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng.

Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

  • Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
  • Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Điều kiện về ngành nghề của công ty cổ phần khi đăng ký

Theo quy định hiện hành, pháp luật cũng quy định rõ ràng những ngành nghề kinh doanh bị cấm và phải đáp ứng những điều kiện để kinh doanh.

Thứ nhất, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Như vậy, khi thành lập công ty, các chủ thể đầu tư có thể tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế, thế mạnh của mình, miễn là không thuộc các trường hợp ngành nghề thuộc danh mục cấm của pháp luật.

Những ngành nghề mà pháp luật nước ta cấm kinh doanh là các hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.

Thứ hai, đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định.

Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

Điều kiện về trụ sở của công ty cổ phần

Địa chỉ công ty là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh. Địa chỉ kinh doanh của công ty còn quyết định đến việc cơ quan thuế nào sẽ trực tiếp quản lý. Do vậy việc chọn địa chỉ công ty vô cùng quan trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định cụ thể về địa chỉ công ty như sau: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Theo Điều 3, Điều 6 Luật nhà ở năm 2014 và Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ xây dựng về việc quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành ngày 19/11/2009 thì doanh nghiệp không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể.

 Điều kiện về vốn của công ty cổ phần

Điều kiện về vốn điều lệ công ty cổ phần

Vốn điều lệ là một mức vốn nhất định khi công ty tiến hành việc đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020,  vốn điều lệ được quy định như sau:

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Pháp luật cũng chưa có quy định nào về việc số vốn tối thiểu, tối đa phải góp.

Đối với loại hình công ty cổ phần, người tham gia góp vốn có thời hạn 90 ngày để hình thành việc góp vốn, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều kiện về vốn pháp định công ty cổ phần

Vốn pháp định là một khoản vốn bắt buộc phải đáp ứng để có thể tiến hành kinh doanh một hoặc một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nếu như công ty đăng ký những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện của ngành nghề đó. Những điều kiện như: cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định,..

Như vậy đối với từng ngành nghề lại có những điều kiện về vốn khác nhau, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng.

Điều kiện về vốn ký quỹ công ty cổ phần

Vốn ký quỹ là một khoản vốn được ký quỹ để đảm bảo thực hiện các dự án đầu tư khi được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Mức vốn kỹ quỹ được quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư như sau:

Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:

  • Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;
  • Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;
  • Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

Điều kiện về con dấu công ty cổ phần

Con dấu rất quan trọng với doanh nghiệp. Nó thể hiện ý chí của công ty trong mọi giao dịch. Do vậy, pháp luật hiện hành cũng quy định rất chặt chẽ, quy đinh về kích thước, kiểu dáng sao cho đồng nhất, phù hợp.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, thì:

Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước.

Về kích thước, hình dạng con dấu, được pháp luật quy định tại Thông tư 21/2012/TT-BCA như sau:

  • Đường kính: 36mm;
  • Vành ngoài phía trên con dấu: Mã số doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số giấy phép thành lập, hoạt động, số giấy chứng nhận đầu tư, sau dãy số thực là loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Vành ngoài phía dưới con dấu: Tên cấp huyện kèm theo tên cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính;
  • Giữa con dấu: Tên tổ chức dùng dấu.

Điều kiện về thành viên công ty cổ phần

  • Thành viên công ty cổ phần (còn gọi là cổ đông) có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
  • Công ty cổ phần phải gồm tối thiểu ba cổ đông, không hạn chế số lượng tối đa các thành viên.
  • Công ty có thể hoạt động với số thành viên ít hơn số thành viên tối thiểu trong vòng 06 tháng, (trong trường hợp công ty không còn đủ 3 thành viên trong vòng 6 tháng liên tục, và trong thời hạn 6 tháng đó công ty không tuyển thêm thành viên, cũng không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Điều kiện thành lập công ty cổ phần. Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488