Giao dịch với người thứ ba ngay tình được quy định thế nào?

by Trần Giang

Pháp luật hiện hành quy định việc bảo vệ người  thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự. Việc bảo vệ này là cần thiết để quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình được đảm bảo. Vì vậy, trong bài viết dưới đây hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu thông tin về nội dung Giao dịch với người thứ ba ngay tình được quy định thế nào?

Giao-dich-voi-nguoi-thu-ba-ngay-tinh.jpg

Giao dịch với người thứ ba ngay tình được quy định thế nào?

Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ Luật Dân sự năm 2015;
  • Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng

Điều 180 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chiếm hữu ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Người thứ ba ngay tình tham gia trong các giao dịch được hiểu là người tại thời điểm giao dịch không có cơ sở để biết và không buộc phải biết việc thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng là không có căn cứ pháp luật. Có thể hiểu rằng người này hoàn toàn tin đang ký hợp đồng/thỏa thuận với người không có quyền định đoạt đối với tài sản đang được giao dịch.

Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (HNGĐ) quy định đối với giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Cũng theo quy định tại Điều 35 Luật HNGĐ, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Xét ở góc độ bình đẳng giới, pháp luật đã bảo vệ tối đa quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với nhà ở và quyền sử dụng đất, bảo vệ quyền đối với tài sản của phụ nữ và nam giới trong gia đình và nhằm hạn chế những tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong quá trình chung sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định trường hợp chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

Dẫn chiếu đến Điều 167 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Theo quy định tại Điều 133 và Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch ngay tình của người thứ ba được chia thành hai trường hợp: giao dịch có hiệu lực và giao dịch bị vô hiệu.

Giao dịch ngay tình của người thứ ba bị vô hiệu

  • Theo quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
  • Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu (trừ trường hợp có hiệu lực được phân tích tại điểm b này).

Giao dịch ngay tình của người thứ ba có hiệu lực

  • Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật Dân sự như đã phân tích tại điểm a nêu trên.
  • Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
  • Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa thì giao dịch không bị vô hiệu.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Giao dịch với người thứ ba ngay tình được quy định thế nào? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc cần câu trả lời, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488