Người nào không được quyền hưởng di sản của người đã mất?

by Lê Quỳnh

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc để lại tài sản của mình cho người khác và hưởng di sản theo di chúc hoặc pháp luật đều là quyền bình đẳng của mọi cá nhân. Tuy vậy, song song với đó pháp luật lại cũng đặt ra những giới hạn, điều kiện nhất định để cá nhân có thể sở hữu quyền để lại tài sản hoặc hưởng di sản. Nói một cách dễ hiểu hơn là sẽ có một số trường hợp cụ thể cá nhân không có quyền hưởng di sản của người đã mất theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết người nào không được quyền hưởng di sản của người đã mất? sau.

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Hiến pháp 2013.
  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Người nào không được quyền hưởng di sản của người đã mất?

Người nào không được quyền hưởng di sản của người đã mất?

Quyền hưởng di sản

Quyền hưởng di sản được hiểu là việc cá nhân được nghiễm nhiên nhận phần di sản từ người đã mất theo di chúc hoặc theo pháp luật. Đồng thời theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Di sản sẽ bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của họ trong tài sản chung với người khác.

Người nào không được quyền hưởng di sản của người đã mất?

Tuy rằng hưởng di sản là quyền bình đẳng của mọi cá nhân, nhưng theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong các trường hợp sau đây cá nhân sẽ không được quyền hưởng di sản. Cụ thể:

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 thì công dân Việt Nam sẽ có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Do vậy, dù cho với mục đích gì, hoặc với cách thức gì thì xâm phạm đến thân thể của chủ thể khác về tính mạng, sức khỏe,… thì cũng đều là vi phạm về cả đạo đức và pháp luật. Vì thế, việc pháp luật không cho người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi, hành hạ người để lại di sản được quyền hưởng di sản là điều hoàn toàn hợp lý.

– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản

Nuôi dưỡng, phụng dưỡng cha mẹ (người để lại di sản) là nghĩa vụ, truyền thống quý báu và tốt đẹp được ông cha ta truyền dạy qua bao đời nay. Không chỉ vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nghĩa vụ của con cái chính là có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiểu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống. Vì vậy, sẽ là đúng đắn khi không cho chủ thể vi phạm quyền hưởng di sản bởi chính họ đang đi ngược lại với chuẩn mực xã hội và tiêu chuẩn pháp luật.

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Cho dù với mục đích là gì thì việc cố ý xâm phạm tính mạng của người khác là điều không thể chấp nhận và là hành vi vi phạm pháp luật theo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.

– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Việc lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người khác thực hiện công việc không chỉ là cơ sở để tước quyền hưởng di sản mà còn khiến cho các giao dịch dân sự bị vô hiệu. Việc ngăn chặn người có ý đồ xấu xa sửa chữa di chúc, hủy di chúc hoặc che giấu di chúc nhằm mục đích để hưởng một phần nhiều hơn hoặc tất cả số di sản của người đã mất trái với ý chí của họ là việc làm đi trái với đạo đức xã hội cũng như các quy định của pháp luật. Cần phải ngăn chặn sự việc này để đảm bảo quyền lợi của những chủ thể có quyền hưởng di sản khác cũng như đảm bảo đúng với ý nguyện của người để lại di sản.

Lưu ý: Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề người nào không được quyền hưởng di sản của người đã mất? do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488