Chế độ tài sản của vợ chồng có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cá nhân vợ, chồng cũng như các thành viên trong gia đình và quyền, lợi ích của những người có liên quan. Vậy, hiện nay nguyên tắc về chế độ này được quy định thế nào? Trong bài viết dưới đây hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu thông tin về nội dung Nguyên tắc chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của pháp luật.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định thế nào?
Chế độ tài sản của vợ chồng có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cá nhân vợ, chồng cũng như các thành viên trong gia đình và quyền, lợi ích của những người có liên quan. Căn cứ theo Điều 29, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.
Nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
- Bình đẳng là sự ngang hàng về mặt nào đó bao gồm các quan hệ trong quan hệ xã hội, không có ai hơn ai về quyền, nghĩa vụ, địa vị pháp lý.
- Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
- Sử dụng là việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
- Định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, quyền tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
- Tạo lập tài sản là làm ra tài sản như lao động có thu nhập.
2. Không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập
Điều này cho thấy lao động trong gia đình (công việc nội trợ, chăm sóc con cái…) phần lớn do người phụ nữ thực hiện đã được pháp luật ghi nhận một cách công bằng, bình đẳng với lao động tạo ra thu nhập bên ngoài xã hội. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam cũng như thế giới trong bối cảnh bình đẳng giới luôn là vấn đề được quan tâm, đặt ra trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là ở trong gia đình.
Nguyên tắc bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình
Bên cạnh quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 30 Luật này còn quy định thêm:
“1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”.
Theo đó dù vợ, chồng áp dụng chế độ tài sản nào, có tài sản chung hay không thì việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình vẫn là trách nhiệm của cả hai bên vợ chồng. Bởi nhu cầu thiết yếu giúp duy trì và bảo đảm sự bền vững trong gia đình.
Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạtt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Tùy theo từng kiểu gia đình mà mỗi gia đình sẽ có những nhu cầu tối thiểu khác nhau. Ví dụ nhu cầu của gia đình ở nông thôn sẽ khác với nhu cầu của gia đình ở thành phố.
Nhu cầu không thiết yếu là nhu cầu không bắt buộc phải có, nếu không đáp ứng được nhu cầu đó thì cũng không ảnh hưởng đến đời sống chung của gia đình. Ví dụ nhu cầu đổi một chiếc quạt gió thành chiếc điều hòa.
Nguyên tắc này khẳng định sự ngang nhau về trách nhiệm của vợ chồng đối với gia đình, khắc phục việc ỷ lại cho đối phương, thiếu trách nhiệm với gia đình.
Nguyên tắc bảo đảm lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, thành viên khác trong gia đình và người khác
Theo đó, quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác được pháp luật bảo vệ. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng dù theo chế độ tài sản nào mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng sẽ phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Vợ hoặc chồng sử dụng chiếc máy tính là tài sản chung của cả gia đình (bao gồm phần sở hữu của cha và mẹ) mà làm hư hỏng máy tính thì phải bồi thường cho cha mẹ.
Đây là nguyên tắc quan trọng xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà gây thiệt hại cho người khác hoặc các thành viên gia đình.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề:Nguyên tắc chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc cần câu trả lời, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM:
- Tài sản trước khi kết hôn là của ai?
- Điều kiện kết hôn với người nước ngoài
- Ly hôn là gì? Quy định về ly hôn mới nhất năm 2023