Những trường hợp không được ủy quyền

by Lê Quỳnh

Ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện công việc của mình được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, hành động pháp lý này mang lại rất nhiều lợi ích thực tế như: tiết kiệm thời gian, chi phí,…đồng thời giảm thiểu bớt những rủi ro không đáng có sẽ xảy ra trong trường hợp chủ thể không am hiểu các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các trường hợp đều có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác; việc ủy quyền này cũng bị pháp luật giới hạn trong một khuôn khổ nhất định. Vậy giới hạn đó là gì? Hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu qua bài viết những trường hợp không được ủy quyền dưới đây!

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Quyết định 3814/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch và chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
  • Luật Hộ tịch 2014.
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Luật Công chức 2014.
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Những trường hợp không được ủy quyền

Những trường hợp không được ủy quyền

Ủy quyền là gì?

Ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận của các bên, mà trong đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Đồng thời, ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật căn cứ theo Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015.

Việc ủy quyền có thể được thực hiện do cá nhân hoặc pháp nhân đối với cá nhân pháp nhân khác nhằm giúp họ xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự và các lĩnh vực khác.

Những trường hợp không được ủy quyền

Ủy quyền có thể được thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành trong một số trường hợp các chủ thể sẽ không được ủy quyền cho người khác để thực hiện thay mình. Cụ thể:

(1) Đăng ký kết hôn:

Theo quy định tại Phần II Quyết định 3814/QĐ-BTP được ban hành ngày 07/12/2012 thì khi đăng ký kết hôn hai bên năm, nữ buộc phải có mặt không được ủy quyền cho người khác.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 thì:

Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

Sở dĩ việc đăng ký kết hôn không được ủy quyền là vì kết hôn dựa trên sự tự nguyện của các bên. Do đó, sự có mặt của nam và nữ khi đến cơ quan đăng ký hộ tịch để kết hôn là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tự nguyện này.

(2) Ly hôn

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

Việc ly hôn là chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, khi ly hôn nam, nữ ủy quyền cho người khác thay mặt giải quyết là điều không thể. Bởi khi tự nguyện thành lập mối quan hệ vợ chồng thì chính họ phải tự mình quyết định việc tiếp tục hay chấm dứt cuộc hôn nhân đó.

(3) Đăng ký nhận cha, mẹ, con

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 thì người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con phải đồng thời có mặt khi nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Bởi xét theo các khía cạnh có liên quan thì việc có mặt của các chủ thể khi đăng ký nhận cha con hoặc mẹ con thể hiện sự nghiêm túc khi thực hiện công việc này.

(4) Công chứng di chúc

Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc (Theo khoản 1 Điều 56 Luật Công chức 2014).

Việc tự thực hiện việc công chứng di chúc đảm bảo những nội dung trong di chúc không bị thay đổi, các thông tin được bảo mật,….. từ đó tránh được những rủi ro không đáng có sẽ xảy ra khi người được ủy quyền công chứng có ý đồ xấu.

(5) Không ủy quyền khi người được ủy quyền có quyền, lợi ích hơp pháp đối lập với người được ủy quyền.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì các trường hợp sau đây sẽ không được phép ủy quyền:

– Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

– Nếu người được ủy quyền đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.

Bởi khi đã tồn tại sự đối lập về mặt lợi ích thể hiện ở quyền, lợi ích giữa hai chủ thể thì việc ủy quyền sẽ là như một bước đệm để các ý đồ xấu nảy sinh. Do vậy, để tránh những rủi ro và phòng trừ các ý đồ xấu, pháp luật đã nghiêm cấm việc ủy quyền trong trường hợp này.

(6) Các trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực hình sự

Các chủ thể không thể ủy quyền cho người khác để nhận tội thay mình, bởi điều đó có thể làm đạo đức xã hội bị biến dạng.

Ngoài ra, trong tố tụng hình sự các trường hợp sau cũng không được phép ủy quyền:

– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4 Điều 36 BLTTHS 2015).

– Cấp trưởng, cấp phó cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (điểm đ khoản 1 và khoản 5 Điều 39 BLTTHS 2015).

– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4 Điều 41 BLTTHS 2015).

– Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 4 Điều 44 BLTTHS 2015).

(7) Các trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực hành chính:

– UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không được ủy quyền (Theo Khoản 4 Điều 59 Luật đất đai 2013)

– Trong tố tụng hành chính, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba (Theo Khoản 5 Điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015)

– Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp (Theo Khoản 2 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

– Cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước ở địa phương nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền (Theo Khoản 2 Điều 14 Luật tổ chức chính quyền ở địa phương 2015)

– Cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2

Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. (Theo Khoản 2 Điều 46 Luật lý lịch tư pháp 2009)

– Người bị chất vấn không được ủy quyền cho người khác trả lời thay mình tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân (Theo điểm b khoản 3 Điều 15, điểm b khoản 2 Điều 26, điểm b khoản 3 Điều 60, điểm b khoản 2 Điều 69 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015)

– Tổ chức khảo nghiệm thuốc thú y không trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc không được nhận ủy quyền đứng tên đăng ký thuốc thú y tại Việt Nam.

(8) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật hiện hành

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề những trường hợp không được ủy quyền do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488