Quy định về điều khoản thanh lý hợp đồng

by Nguyễn Thị Giang

Thủ tục thanh lý hợp đồng mang một vai trò rất quan trọng trong các hoạt động về dân sự. Thông qua biên bản thanh lý hợp đồng dân sự nói chung thì các bên sẽ xác nhận mức độ thực hiện các điều khoản, nội dung công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng. Vậy thanh lý hợp đồng là gì? Thực hiện biên bản thanh lý hợp đồng như thế nào? Nếu Khách hàng cũng đang thắc mắc  hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Đại Nam  về nội dung Quy định về điều khoản thanh lý hợp đồng

Quy định về điều khoản thanh lý hợp đồng

Quy định về điều khoản thanh lý hợp đồng

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật lao động 2019
  • Bộ luật dân sự 2015

Thanh lý hợp đồng là gì

Thanh lý hợp đồng là việc các bên ghi nhận những nội dung của hợp đồng đã được hoàn tất và những nội dung chưa được hoàn tất, đồng thời xác nhận lại khối lượng, chất lượng công việc cũng như các nghĩa vụ phát sinh sau quá trình hoàn thành công việc theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Hợp đồng được thanh lý trong trường hợp nào?

Thực tế trong quy định pháp luật hiện nay không có định nghĩa ghi nhận về cụm từ thanh lý hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự. Song việc thanh lý hợp đồng được thực hiện rất thường xuyên và liên tục. Dựa trên những quy định, mục đích của thanh lý hợp đồng mà chúng tôi có thể đưa ra khái niệm của thanh lý hợp đồng.

Thanh lý hợp đồng được hiểu là biên bản ghi nhận của 02 bên tham gia hợp đồng, sau khi đã hoàn tất một công việc. Trong đó biên bản sẽ được hai bên tham gia xác nhận lại về các điều khoản, nội dung công việc đã được thực hiện đúng như cam kết hợp đồng chưa và các phát sinh nếu có sau quá trình đã hoàn thành công việc và biên bản này được đồng ý ký tên từ 02 chủ thể ký kết hợp đồng.

Thanh lý hợp đồng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Hợp đồng đã hoàn thành theo đúng tiến độ, yêu cầu, điều khoản của 02 bên;
  • Theo thỏa thuận các bên muốn chấm dứt hợp đồng để thanh lý;
  •  Chủ thể giao kết hợp đồng mất hoặc trường hợp pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Hợp đồng bị hủy bỏ hoặc bị đơn phương chấm dứt thực hiện do một trong các bên tự chấm dứt;
  • Hợp đồng không thể thực hiện do đối tượng của hợp đồng không còn nữa;
  • Hợp đồng chấm dứt do hoàn cảnh thay đổi cơ bản;
  • Trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều kiện để thanh lý hợp đồng

Hiện nay không có văn bản nào quy định về điều kiện để được tiến hành thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, về nguyên tắc Bộ luật dân sự luôn tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn là không trái quy định của pháp luật theo quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”

Ngoài ra, căn cứ vào định nghĩa có thể thấy việc thanh lý hợp đồng chỉ được đặt ra khi hợp đồng được thực hiện xong hoặc các bên đã thỏa thuận việc chấm dứt hợp đồng. Cụ thể theo quy định tại điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Hợp đồng đã được hoàn thành;
  • Theo thỏa thuận của các bên;
  • Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  • Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  • Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
  • Trường hợp khác do luật quy định.

Thông thường trên thực tế thì các bên thực hiện việc thanh lý hợp đồng khi hai bên cùng đạt được mục đích của hợp đồng, hoặc hợp đồng chấm dứt trên sự thỏa thuận của các bên để ghi nhập việc 2 bên chấm dứt quyền và nghĩa vụ thông qua hợp đồng đã ký kết với nhau.

Thông qua thanh lý hợp đồng kinh tế, các bên sẽ xác nhận mức độ thực hiện nội dung công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng. Đồng thời, các bên cũng sẽ xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lý của các bên trong quan hệ hợp đồng do phải thanh lý trước khi hợp đồng kinh tế hết hiệu lực. Kể từ thời gian các bên đã ký vào biên bản thanh lý, quan hệ hợp đồng kinh tế đó coi như đã được chấm dứt. Riêng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong biên bản thanh lý vẫn có hiệu lực pháp luật cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình

Về bản chất, mục đích của việc thanh lý hợp đồng kinh tế là giúp cho các bên xác định lại rằng các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đến đâu, trách nhiệm nào còn tồn đọng, hậu quả của việc đó là gì. Khi xác định xong, những phần quyền và nghĩa vụ nào mà các bên đã thực hiện và có thỏa thuận với nhau xem như chấm dứt, chỉ riêng đối với những phần quyền và nghĩa vụ còn tồn đọng chưa thực hiện được thì vẫn còn hiệu lực. Như vậy, mục đích sâu xa của việc thanh lý hợp đồng chính là giải phóng các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện đối với bên kia, tránh các tranh chấp về sau có thể xảy ra đối với các phần quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện.

Thủ tục thanh lý hợp đồng như thế nào?

Thủ tục thanh lý hợp đồng sẽ được thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận về việc thanh lý/ chấm dứt hợp đồng

Thanh lý/ chấm dứt hợp đồng khi có sự đồng nhất của các bên thường áp dụng khi hợp đồng hoàn thành hoặc các bên không có nhu cầu tiếp tục hợp đồng. Do vậy thủ tục thông báo để thanh ký, chấm dứt hợp đồng khá đơn giản và không bị ràng buộc về nghĩa vụ báo trước hay đối soát công nợ về nghĩa vụ còn lại.

Bước 2: Đơn phương yêu cầu hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng theo ý chí của một bên

Khi một bên trong các bên tham gia hợp đồng đơn phương hủy bỏ/ chấm dứt hợp đồng thì căn cứ vào những điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, bên đơn phương hủy bỏ/ chấm dứt hợp đồng sẽ cần:

– Gửi thông báo cho đối tác trong đó lưu ý thời điểm chấm dứt nên để sau khoảng 15 ngày kể từ ngày thông báo trường hợp hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký.

– Trường hợp hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng theo theo các trường hợp ngoài thỏa thuận trong hợp đồng thì cần thực hiện theo quy định tại Điều 424, 425, 426 Bộ luật dân sự 2015 để đảm bảo thực hiện quy trình đúng luật.

Khi thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng thì các bên soạn thảo hợp đồng cần chú ý những nội dung sau:

  • Khi thanh lý hợp đồng cần dựa vào những căn cứ và quy định pháp luật được nêu trong hợp đồng và các điều khoản để làm căn cứ thanh lý hợp đồng chính đã giao kết bởi biên bản thanh lý hợp đồng thường không bao giờ đi một mình mà nó được lập trên cơ sở một hợp đồng khác. Những căn cứ này rất quan trọng trong việc xác định vì sao hợp đồng lại chấm dứt. Việc thanh lý cần phải có sự đồng nhất các điều khoản áp dụng từ hợp đồng chính để đối chiếu điều khoản sang hợp đồng thanh lý.
  • Nội dung biên bản cần ghi rõ thông tin cá nhân các bên, quy trình thực hiện xong nghĩa vụ như thế nào về công việc, thanh toán của các bên và dựa vào đó 2 bên phải cam kết sau này không thể xuất hiện tranh chấp xảy ra đối với nội dung này;
  • Trong hợp đồng thanh lý cần nêu rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo hành của bên cung cấp dịch vụ sẽ vẫn còn hiệu lực sau khi 2 bên tiến hành ký biên bản thanh lý hợp đồng và hiệu lực này phải kéo dài cho đến thời gian mà các bên thỏa thuận trước đó.

Với trường hợp các bên chấm dứt hợp đồng do phương tự chấm dứt hợp đồng thì bên còn lại phải nêu rõ cách thức giải quyết như bồi thường giá trị hợp đồng, thời hạn thực hiện trách nhiệm thanh toán khoản vi phạm sau khi biên bản thanh lý được các bên đồng ý ký vào.

Khi các bên thực hiện thanh lý Hợp Đồng thì biên bản thanh lý này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Các bên sẽ không còn bất kỳ quyền hạn, trách nhiệm gì liên quan đến hợp Đồng và cam kết không khiếu nại gì đối với Hợp Đồng sau khi ký Biên bản.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Quy định về điều khoản thanh lý hợp đồng. Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488