Quyết toán thuế cho cá nhân có 2 nguồn thu nhập trở lên

by Lê Vi

Trường hợp có thu nhập tiền lương, tiền công thuộc diện tổ chức chi trả khấu trừ tại nguồn từ 2 nơi trở lên, cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ cung cấp thông tin cho bạn về Quyết toán thuế cho cá nhân có 2 nguồn thu nhập trở lên.

Căn cứ pháp lý

  • Luật thuế thu nhập cá nhân 2007
  • Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi bổ sung 2012
  • Luật thuế thu nhập cá nhân  sửa đổi bổ sung 2014
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC thông tư hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thực hiện thông tư 111

Đối tượng nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nộp thuế TNCN bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú đáp ứng các điều kiện luật định. Cụ thể như sau:

Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 1 năm dương lịch hoặc theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
  • Thứ hai, có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong 2 trường hợp như sau:
    • Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về nơi cư trú
    • Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở

Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng được những điều kiện đã nêu trên.

Quyết toán thuế cho cá nhân có 2 nguồn thu nhập trở lên

Quyết toán thuế cho cá nhân có 2 nguồn thu nhập trở lên

Cách tính thuế TNCN cho người có thu nhập 2 nơi

Theo khoản 1 điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân như sau:

“1. Khấu trừ thuế

Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:

b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại 2 hoặc nhiều nơi thì khi tính thuế thu nhập cá nhân các bạn kế toán cần lưu ý thời hạn của hợp đồng lao động và mức lương để xác định cách tính thuế TNCN cho người làm 2 hay nhiều nơi cho chính xác. Cụ thể:

+ Cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi và ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tính thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A ký hợp đồng lao động trên 3 tháng với 2 công ty X và Y.

⇒ Như vậy, khi tính thuế TNCN cho ông A, công ty X sẽ tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần và công ty Y cũng tính theo biểu lũy tiến từng phần nhé.

+ Cá nhân có thu nhập nhiều nơi trong đó có nơi ký dưới 3 tháng (thời vụ, giao khoán …) mà mức lương từ 2.000.000/lần hoặc 2.000.000/tháng trở lên thì nơi ký hợp đồng dưới 3 tháng phải khấu trừ 10% (Không được làm cam kết vì có thu nhập 2 nơi).

+ Cá nhân có thu nhập nhiều nơi trong đó có nơi ký dưới 3 tháng (thời vụ, giao khoán …) mà (mức lương dưới 2.000.000/lần hoặc 2.000.000/tháng) thì nơi ký hợp đồng dưới 3 tháng KHÔNG phải bị khấu trừ thuế TNCN.

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B ký hợp đồng lao động trên 3 tháng với công ty X. Và ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng với công ty Y. Sẽ có 2 trường hợp như sau:

  • Tại công ty X sẽ tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.
  • Tại công ty Y:
    • Nếu mức lương tại công ty Y dưới 2 triệu/lần hoặc /tháng thì không khẩu trừ thuế thu nhập cá nhân.
    • Nếu mức lương lại công ty Y từ 2 triệu/lần hoặc /tháng thì phải khấu trừ 10% (Không được làm cam kết 02)

Hướng dẫn cách tính giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc đối với cá nhân có thu nhập nhiều nơi

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 9, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về giảm trừ gia cảnh:

  • Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công từ kinh doanh thì tại một thời điểm lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh tại một nơi.
  • Người nộp thuế chỉ cần đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian tính giảm trừ gia cảnh.

Mặt khác, theo Công văn 34683/CT-TTHT ngày 26/5/2017 của Cục Thuế Hà Nội, nếu trường hợp ký hợp đồng lao động trên 3 tháng ở hai nơi thì người nộp thuế được phép giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một đơn vị chi trả thu nhập và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại cơ quan chi trả thu nhập khác.

Quyết toán thuế cho cá nhân có 2 nguồn thu nhập trở lên như thế nào?

Đối với việc quyết toán thuế TNCN cho người làm 2 công ty trong 1 năm, có thể căn cứ theo quy định tại Công văn 801/TCT- TNCN của Tổng cục thuế.
Theo quy định tại mục II của Công văn này, cá nhân có thể thực hiện quyết toán thuế TNCN thông qua tổ chức trả thu nhập hoặc tự quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế.

Ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập

Cá nhân sẽ ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế TNCN nếu:

  • Có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập.
  • Đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%.

Nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức trả thu nhập ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên.
Lưu ý, trường hợp cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.
Ví dụ: Năm 2022, Bà A có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động dài hạn tại Công ty X, đồng thời có thu nhập vãng lai tại các nơi khác là 90 triệu đồng đã khấu trừ thuế TNCN 10%.
Như vậy, thu nhập vãng lai bình quân tháng trong năm 2022 của Bà A nhỏ hơn 10 triệu đồng (90 triệu đồng : 12 tháng = 7,5 triệu đồng/tháng), nếu Bà A thuộc diện phải quyết toán thuế và không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì Bà A ủy quyền quyết toán thuế năm 2022 cho Công ty X.
Công ty X chỉ quyết toán thuế thay Bà A đối với phần thu nhập do Công ty X trả.

Về cách tiến hành, cá nhân ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).

Trường hợp tổ chức trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.

Quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế

Cá nhân sẽ không ủy quyền quyết toán thuế mà cần thực hiện quyết toán thuế TNCN trực tiếp với cơ quan thuế nếu:

  • Có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị;
  • Đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).

Ví dụ: Năm 2022, Ông B có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động trên 03 tháng tại Công ty M. Tháng 3/2022 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty N là 20 triệu đồng đã khấu trừ thuế 10%, tháng 10/2022 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty K là 1,5 triệu đồng chưa đến mức khấu trừ thuế.
Như vậy, trong năm 2022 Ông B có một khoản thu nhập chưa khấu trừ thuế, nếu Ông B thuộc diện quyết toán thuế thì Ông B không ủy quyền quyết toán tại Công ty M, mà trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Trên đây là hướng dẫn quyết toán thuế TNCN cho người làm 2 công ty trong 1 năm. Nắm được những quy định liên quan đến vấn đề này, kế toán cũng như người lao động có thể thực hiện quyết toán thuế TNCN theo đúng thủ tục, quy trình.

Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Đại Nam cung cấp về Quyết toán thuế cho cá nhân có 2 nguồn thu nhập trở lên. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ xin liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488