Trong thời kỳ hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn thoả thuận chia tài sản chung. Vậy hiện nay pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu thông tin về nội dung trên: Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân như thế nào?
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Các loại tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ, hoặc do chồng tạo ra, thu nhập do lao động, thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức mà phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân,
(trừ những trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) - Tài sản mà do vợ chồng được thừa kế chung hoặc vợ, chồng được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ và chồng thỏa thuận là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi đăng ký kết hôn là tài sản chung của vợ và chồng, trừ những trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng đất đai, được tặng cho riêng đất đai hoặc có được do thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của vợ hoặc của chồng.
- Tài sản chung của vợ và chồng sẽ thuộc sở hữu chung hợp nhất, tài sản này được dùng để cho bảo đảm nhu cầu của gia đình hay tài sản này nhằm để thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
- Trong các trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp chính là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được sẽ được xác định là tài sản chung.
Chia tài sản chung của vợ chồng là gì?
Chia tài sản chung của vợ chồng là phân chia tài sản chung của vợ chồng thành từng phần thuộc sở hữu riêng của vợ và của chồng. Đặc điểm:
- Việc phân chia tài sản chung chỉ được thực hiện trong những trường hợp mà pháp luật có quy định. Tùy việc chọn chế độ tài sản theo luật định hay thỏa thuận mà xác định căn cứ pháp lý. Việc chia được thực hiện khi thuộc một trong trường hợp sau: trong thời kì hôn nhân; khi một bên vợ hoặc chồng chết trước; bị Tòa án tuyên bố là đã chết và trường hợp vợ, chồng ly hôn.
- Phân chia tài sản chung của vợ chồng dựa trên một cơ chế phân chia đặc biệt. Về nguyên tắc chung, nếu vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, không có thỏa thuận khác, việc chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện trên nguyên tắc chia đôi; việc tính toán công sức đóng góp đối với tài sản chung chỉ mang tính ước lượng tương đối mà không căn cứ trên cơ sở số học một cách tuyệt đối như các trường hợp sở hữu chung theo phần.
Quyền thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Theo khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Trường hợp không thỏa thuận được có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do đó, vợ chồng hoàn toàn có quyền thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, việc thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân phải không thuộc các trường hợp dưới đây:
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ trả nợ; Nghĩa vụ nộp thuế; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại…
Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thế nào?
Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật (theo khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)
Theo đó, thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân phải được lập thành văn bản, nếu chia bất động sản và động sản có đăng ký thì bắt buộc phải công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
Tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký thì việc chia tài sản chung vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm tài sản được đăng ký.
Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân như thế nào? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc cần câu trả lời, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
XEM THÊM:
- Tài sản trước khi kết hôn là của ai?
- Điều kiện kết hôn với người nước ngoài
- Ly hôn là gì? Quy định về ly hôn mới nhất năm 2023