Thỏa thuận đưa tài sản riêng vào tài sản chung như thế nào?

by Nguyễn Thị Giang

Pháp luật quy định về tài sản của vợ chồng như thế nào?  Nếu muốn nhập tài sản riêng của một bên vào tài sản chung của vợ chồng thì có được không? Qua bài viết dưới đây thì Luật Đại Nam sẽ giới thiệu đến bạn đọc Thỏa thuận đưa tài sản riêng vào tài sản chung như thế nào?

Thỏa thuận đưa tài sản riêng vào tài sản chung như thế nào?

Thỏa thuận đưa tài sản riêng vào tài sản chung như thế nào?

Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 126/2014/NĐ-CP:

Quy định của pháp luật về tài sản của vợ, chồng

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ, chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo luật định là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng hoặc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung của vợ, chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng; và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung; hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập; bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật có cả tài sản riêng và tài sản chung. Họ có quyền thỏa thuận đối với tài sản đó; có thể nhập tài sản riêng và tài sản chung; có thể đưa tài sản chung thành tài sản riêng.

Có phải công chứng Văn bản nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng?

Về tài sản của vợ chồng, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, bên cạnh việc cùng tạo dựng tài sản chung thì mỗi người đều có thể có tài sản riêng.

Trong đó, đối với tài sản riêng của mình, vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Thậm chí, mỗi người còn được tự quyết định có nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng.

Lưu ý: Tài sản riêng sẽ thuộc quyền sở hữu, định đoạt của mỗi người vợ, chồng. Trong khi đó, tài sản chung lại là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ, chồng và cả hai người cùng có quyền định đoạt tài sản này để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Do tài sản riêng là tài sản mà vợ, chồng có thể tự định đoạt, quyết định nhập hay không nhập vào tài sản chung vợ, chồng nên việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thoả thuận của vợ chồng.

Theo đó, sẽ có 02 trường hợp nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng như sau:

  • Nhập trước khi kết hôn: Hình thức này còn được Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định là thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Cũng theo đó, thoả thuận này phải được lập trước khi kết hôn và bằng văn bản có công chứng/chứng thực.
  • Nhập sau khi kết hôn: Đây là hình thức thỏa thuận nhập tài riêng vào tài sản chung vợ chồng. Với tài sản là đất đai, khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai chỉ quy định các loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; thừa kế.

Do đó, Văn bản thoả thuận nhập tài sản riêng (là nhà, đất) vào tài sản chung vợ chồng không phải là một trong các văn bản phải công chứng, chứng thực.

Như vậy, chỉ khi thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn thì văn bản này phải được công chứng, chứng thực còn nếu sau khi kết hôn thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Tài sản riêng đưa vào sử dụng chung có thành tài sản chung không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm:

– Tài sản mà mỗi người có được trước khi kết hôn

– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân

– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Trường hợp căn nhà trên là tài sản được tạo lập bằng tài sản riêng của bạn trước khi kết hôn, theo đó, căn cứ theo quy định trên, căn nhà này được xác định là tài sản riêng của bạn.

Mặt khác, khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân gia đình có quy định rõ:

1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Như vậy căn nhà đó là tài sản riêng, đứng tên bạn và bạn có được trước hôn nhân thì đó vẫn là tài sản của bạn và bạn có quyền định đoạt, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Tuy nhiên, Điều 31 Luật Hôn nhân gia đình có nói rõ, trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Trường hợp nếu vợ chồng ly hôn thì dù căn hộ được vợ chồng sử dụng chung nhưng theo Điều 63 Luật này thì nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó.

Trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Thỏa thuận đưa tài sản riêng vào tài sản chung như thế nào? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488