Thỏa thuận tài sản riêng trước khi kết hôn như thế nào?

by Nguyễn Thị Giang

Hiện nay, nhiều cặp vợ, chồng không xác định được đâu là tài sản riêng, đâu là tài sản chung của vợ, chồng. Đây là vấn đề quan trọng trong trường hợp hai vợ chồng xảy ra tranh chấp về tài sản hoặc xác định nghĩa vụ của vợ, chồng với người thứ ba. Qua bài viết dưới đây thì Luật Đại Nam sẽ giới thiệu đến bạn đọc Thỏa thuận tài sản riêng trước khi kết hôn như thế nào?

Thỏa thuận tài sản riêng trước khi kết hôn như thế nào?

Thỏa thuận tài sản riêng trước khi kết hôn như thế nào?

Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 126/2014/NĐ-CP:

Tài sản riêng trước khi kết hôn được quy định như thế nào?

Kèm theo yêu cầu xin ly hôn, vợ chồng thường có yêu cầu Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn, tài sản của vợ chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng. Trong trường hợp không chứng minh được tài sản riêng thì đương nhiên đó là tài sản chung của vợ chồng.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trong đó có điểm mới về chế độ tài sản riêng của vợ, chồng. Cụ thể, tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nói trên được quy định chi tiết, cụ thể hơn bởi Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật thì:

  • Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
  • Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
  • Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.”

Như vậy, pháp luật công nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.

Khi giải quyết thủ tục ly hôn có tranh chấp tài sản hoặc sau khi đã ly hôn mà chưa giải quyết tài sản, Tòa án căn cứ xác định tài sản riêng của vợ hoặc chồng bao gồm:

  • Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng

Điều 44 LHN&GĐ quy định về quyền của vợ, chồng về tài sản riêng như sau:

  • Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
  • Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
  • Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
  • Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”

Vợ chồng có quyền có tài sản riêng, do đó, pháp luật cũng có quy định họ có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình; vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung. Tuy nhiên, gia đình luôn dựa trên sự gắn kết, vợ chồng và con cái luôn có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Do đó, pháp luật quy định không phải lúc nào người có tài sản riêng cũng có toàn quyền định đoạt tài sản đó. Trong trường hợp vợ chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt phải có sự đồng ý của người kia.

Khi nào thì được lập Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng?

Chỉ được lập và công nhận khi 2 người chưa đăng ký kết hôn, lưu ý chưa đăng ký kết hôn nghĩa là 2 người chưa ra UBND xã, phường để làm thủ tục đăng ký kết hôn chứ không phải là chưa tổ chức đám cưới đâu nhé.

Hai người cùng đoàn kết, đồng thuận, và quyết định lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, nghĩa là quyết định cùng nhau lập Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực (mà tốt nhất là công chứng, không khuyến khích các bạn chọn chứng thực)

Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ khi 2 người đăng ký kết hôn

Như vậy có thể nói Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được dành cho những ai chưa hoặc sắp kết hôn, còn nếu bạn đã kết hôn rồi thì cũng có thể quan tâm cho… con cháu sau này. Hoặc tham khảo bài viết về Chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng sẽ là một lựa chọn phương án giải quyết.

Như vậy, sau khi 2 người đã quyết định lập Văn bản Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn, thì nên quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:

Nội dung của Văn bản thỏa thuận tài sản riêng trước khi kết hôn như thế nào?

Nội dung của Văn bản thỏa thuận sẽ do 2 vợ chồng tự chủ động lựa chọn và quyết định, tuy nhiên pháp luật cũng “gợi ý” một số phương án thỏa thuận đơn giản và cơ bản như sau:

1. Thỏa thuận tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng.

2. Thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung.

3. Thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

Còn nếu như không lựa chọn một trong 3 phương án trên thì vợ chồng có thể lựa chọn phương án tự xây dựng Văn bản thỏa thuận, khi đó nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

  • Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  • Nội dung khác có liên quan.

Đó chỉ là những nội dung cơ bản mà như tôi đã nói, pháp luật “gợi ý” cho các cặp vợ chồng tham khảo và hình dung được một cách cơ bản, còn thực tế thì mỗi nhà một khác nên nếu cặp vợ chồng nào muốn lập văn bản chi tiết và cụ thể hơn mà cảm thấy vướng mắc thì có thể nhờ sự tư vấn của luật sư hoặc chuyên viên pháp lý. Bạn cũng có thể nhờ sự trợ giúp của Văn phòng công chứng, tuy nhiên thường thì họ sẽ chỉ cung cấp cho bạn mẫu văn bản mà không có trách nhiệm tư vấn cụ thể và chi tiết hơn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Thỏa thuận tài sản riêng trước khi kết hôn như thế nào? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488