Kê khai di sản thừa kế còn là thuật ngữ xa lạ với rất nhiều người. Vậy kê khai di sản thừa kế là gì? Bản chất của nó ra sao? Thủ tục kê khai di sản thừa kế sẽ được thực hiện ra sao? Mời quý độc giả theo dõi bài viết sau đây của Luật Đại Nam để biết thêm chi tiêt.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015.
- Luật Công chứng 2014
- Nghị định 29/2015/NĐ-CP.
Di sản là gì?
Di sản được hiểu là phần tài sản của người đã mất để lại cho người còn sống. Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản sẽ bao gồm:
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo đó còn có thể hiểu về di sản như sau:
– Di sản là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân mà họ để lại sau khi chết bao gồm vật, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền, quyền tài sản.
– Di sản sẽ bao gồm tư liệu tiêu dùng và tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đó, các quyền tài sản bao hàm cả quyền đối với tác phẩm, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền sử dụng đất đai được coi là một loại tài sản thuộc quyền sở hữu của người có quyền đó nên quyền sử dụng đất đai cũng là một loại di sản và được để lại thừa kế theo qui định về chuyển quyền sử dụng đất.
Kê khai di sản thừa kế là gì?
Kê khai di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản thừa kế của người thụ hưởng trong di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản chết.
Thủ tục kê khai di sản thừa kế
Hồ sơ kê khai di sản thừa kế
Để tiến hành thủ tục kê khai di sản thừa kế cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
– Giấy chứng tử của người để lại di sản;
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;
– Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu;
Lưu ý:
+ Trường hợp có di chúc và di chúc ghi rõ cách phân chia tài sản thì cần cung cấp thêm: Di chúc
+ Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không ghi rõ cách phân chia di sản, bạn cần cung cấp thêm:
- Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân
- Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu;
Trình tự, thủ tục kê khai di sản thừa kế
Bước 1: Cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật.
Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
Bước 2: Công chứng nhận văn bản thừa kế
Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo nào xảy ra thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế.
Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Điều 57 Luật Công chứng 2014) hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Điều 58 Luật Công chứng 2014). Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.
Trên đây là bài tư vấn pháp lý về vấn đề thủ tục kê khai di sản thừa kế do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý khách hàng vui lòng liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
– Email: luatdainamls@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Xem thêm: