Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là một phần quan trọng của hệ thống thuế tại Việt Nam. Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc áp dụng thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi là một khía cạnh quan trọng mà các doanh nghiệp và nông dân cần phải hiểu rõ. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về thuế gtgt mặt hàng thức ăn chăn nuôi và chính sách thuế gtgt đối với mặt hàng này.
Nội Dung Chính
Thuế gtgt giá trị gia tăng là gì?
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một loại thuế áp dụng trên giá trị gia tăng của hàng hóa và dịch vụ trong quá trình chúng được sản xuất, lưu thông, và cuối cùng làm cho chúng đến tay người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc thuế được tính trên sự tăng giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn tiêu dùng.
Luật số 13/2008/QH12 xác định định nghĩa và quy định về Thuế GTGT. Thuế này còn được biết đến với tên gọi khác là thuế VAT (Value-Added Tax).
Thuế GTGT thường được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm nào đó của giá trị gia tăng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Số tiền thuế này sau đó được cộng vào giá bán của hàng hóa hoặc dịch vụ và phải được người tiêu dùng chi trả khi mua sắm hoặc sử dụng.
Mô hình thuế GTGT giúp chính phủ có nguồn thu nhập ổn định, đồng thời đảm bảo rằng mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng giá trị đều đóng góp vào quỹ thuế. Điều này giúp tránh tình trạng đánh thuế kép (double taxation) và tạo ra một hệ thống thuế công bằng.
Thức ăn chăn nuôi là gì?
Theo quy định tại Khoản 25 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) thì thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.
Trong đó:
– Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.
– Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.
– Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.
– Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác.
Thuế gtgt mặt hàng thức ăn chăn nuôi
Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 có quy định như sau:
“Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13.
1. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 5 như sau:
“3a. Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;”.
Theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 thì Điều 5 quy định về đối tượng không chịu thuế, do vậy, Theo quy định trên thì thức ăn chăn cho gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác (thức ăn chăn nuôi) thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng từ ngày 01 /01/2015.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC cũng quy định như sau:
“2. Bổ sung khoản 3a vào Điều 4 như sau:
“3a. Phân bón là các loại phân hữu cơ và phân vô cơ như: phân lân, phân đạm (urê), phân NPK, phân đạm hỗn hợp, phân phốt phát, bồ tạt; phân vi sinh và các loại phân bón khác;
Thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác, bao gồm các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 50/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;”
Thuế suất thuế GTGT đối với nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi
Theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính – sau đây gọi tắt là Thông tư 219) thì trường hợp Công ty kinh doanh mua bán các mặt hàng bột mì, cám mì ở khâu kinh doanh thương mại thì mức thuế suất thuế GTGT đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau:
- Đối với mặt hàng bột mì là sản phẩm đã qua chế biến áp dụng mức thuế suất thuế GTGT phổ thông là 10% (không phân biệt bán cho đối tượng nào).
- Đối với mặt hàng cám mì là sản phẩm chưa qua chế biến được tạo ra từ quá trình xay xát lúa mì nếu bán cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 219; nếu bán cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 219.
Trường hợp Công ty theo như trình bày nếu có bổ sung ngành nghề hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi thì việc xác định mặt hàng thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Thuế tạiCông văn 4583/TCT-CS ngày 04/11/2015.
Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.
– Yêu cầu tư vấn: 0967370488 – 0975422489
– Yêu cầu dịch vụ: 02462.544.167
– Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm
- Quy định về Thuế GTGT hàng đông lạnh
- Thuế GTGT phải nộp là gì?
- Các trường hợp không phải kê khai thuế gtgt 2023