Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp được định nghĩa cụ thể tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009 và mới đây sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật 2022 (sắp có hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp
Theo đó, để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ cần phải đáp ứng các điều kiện chung nêu tại Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 gồm:
– Có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những loại đã được thể hiện công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào trong/ngoài nước trước ngày nộp đơn/ngày ưu tiên (nếu có).
– Có tính sáng tạo: Căn cứ vào kiểu dáng công nghiệp đã được công khai mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng cũng không tạo ra một cách dễ dàng.
– Có khả năng áp dụng công nghiệp: Được được coi là khả năng dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt có hình dáng là kiểu dáng đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Và các kiểu dáng công nghiệp không được bảo hộ gồm sản phẩm có hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có hoặc của công trình xây dựng dân dụng/công nghiệp hoặc không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ vào Điều 103 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, Điểm 33.5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, có thể thấy yêu cầu của pháp luật đối với Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải có các nội dung sau như sau:
Tên kiểu dáng công nghiệp:
Tên kiểu dáng công nghiệp là tên của chính sản phẩm sở hữu kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện bằng những từ ngữ thông dụng, không có tính chất quảng cáo, không chứa các ký hiệu, chú thích, chỉ dẫn về thương mại.
Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp
Lĩnh vực dùng kiểu dáng công nghiệp là lĩnh vực sử dụng cụ thể của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ mục đích sử dụng của sản phẩm đó.
Kiểu dáng công nghiệp tương tự/ ít khác biệt nhất đã biết
Nêu rõ về kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất so với kiểu dáng công nghiệp được nêu trong đơn (hai kiểu dáng phải cùng loại sản phẩm), đã được biết tới một cách rộng rãi tại trước ngày nộp đơn hay ngày ưu tiên trong trường hợp được hưởng quyền ưu tiên.
Tuy nhiên, phần này khi làm bản mô tả kiểu dáng công nghiệp doanh nghiệp nên để là “Không biết”. Bởi nếu có kiểu dáng tương tự thì có thể không đăng ký dược vì không có tính mới.
Liệt kê ảnh chụp hay bản vẽ
Cần liệt kê tất cả, lần lượt các ảnh chụp (ảnh chụp tổng thể, mặt trước, mặt sau, bên phải, bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên), hình vẽ, phối cảnh 3 chiều, hình chiếu mặt cắt kiểu dáng của sản phẩm theo thứ tự trong tờ khai.
Chụp ảnh kiểu dáng công nghiệp cho ô tô. Ảnh minh họa
Một số lưu ý cho phần ảnh chụp hay bản vẽ
- Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng và sắc nét, bản vẽ phải được thể hiện bằng đường nét liền, nền của ảnh chụp, bản vẽ phải có màu đồng nhất với nhau và cùng tương phản với kiểu dáng công nghiệp.
- Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.
- Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và lần lượt theo thứ tự: hình phối cảnh (ba chiều) của kiểu dáng công nghiệp, hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp từ phía trước, từ phía sau, từ bên phải, từ bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên; các hình chiếu phải được thể hiện chính diện.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp có hình chiếu đối xứng thì ảnh chụp, bản vẽ có thể không cần thể hiện thêm các hình chiếu đối xứng, với điều kiện phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có thể khai triển được, các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp ở trạng thái đã khai triển.
- Tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của kiểu dáng công nghiệp, có thể cần phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to bộ phận, hình chi tiết rời của sản phẩm,.. đủ để thể hiện rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
- Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau, phải có ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh, phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ minh hoạ vị trí lắp đặt, sử dụng bộ phận trên sản phẩm hoàn chỉnh.
- Mỗi phương án của kiểu dáng công nghiệp phải có bộ ảnh chụp, bản vẽ thể hiện đầy đủ từng phương án theo quy định.
- Đối với bộ sản phẩm phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp, bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ đó theo quy định.
Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp
Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, và cần được mô tả chi tiết như sau:
- Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đã nêu, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ;
- Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có);
- Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được…) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau;
- Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phải nêu phương án cơ bản và đánh số lần lượt các phương án biến thể khác. Trong đó chỉ rõ các đặc điểm tạo dáng khác biệt của từng phương án biến thể so với phương án cơ bản;
- Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó.
Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ và phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện trên ảnh chụp, bản vẽ nêu trong đơn, bao gồm các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật Đại Nam về mẫu bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các thủ tục về sở hữu trí tuệ xin liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Tư vấn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo luật hiện hành
- Hướng dẫn tra cứu kiểu dáng công nghiệp
- Bảo hộ nhãn hiệu: Tạo sự phân biệt trong thị trường cạnh tranh