Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Kiểu dáng công nghiệp là gì? Tại sao phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó (khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009).
– Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền sẽ nộp đơn xin cấp bằng độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là việc làm bắt buộc để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và đảm bảo cho chủ sở hữu những quyền và lợi ích hợp pháp đối với kiểu dáng công nghiệp của mình.
– Ngoài ra, chỉ khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và được cấp văn bằng độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thì quyền đối với kiểu dáng công nghiệp mới được phát sinh. Đồng thời được độc quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong khoảng thời gian pháp luật quy định.
– Được pháp luật bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký.
Đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 (gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ): Đối tượng không được bảo hộ khi đăng ký gồm như sau:
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có được hiểu là hình dáng bên ngoài:
– Yếu tố mà sản phẩm tương tự cũng bắt buộc phải có để thực hiện chức năng kỹ thuật tương tự của sản phẩm, ví dụ đường rãnh xoắn trên thân cây đinh vít là yêu câu bắt buộc phải có để đinh vít thực hiện được chức năng kỹ thuật “vặn”;
– Nếu có thể được tạo ra với nhiều hình dạng khác nhau mà sản phẩm vẫn đạt được chức năng kỹ thuật tương tự thì quy định nêu tại Khoản 1 Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ không được áp dụng để loại trừ khỏi đối tượng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, ví dụ trên bề mặt lốp ô tô cần tạo một “lớp vân” để thực hiện chức năng kỹ thuật tạo ma sát, chống trơn trượt, có thể tồn tại nhiều kiểu “lớp vân” trên mỗi loại lốp khác nhau, kiểu dáng “lớp vân” có thể được bảo hộ.
Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
– Công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp có hình dáng bên ngoài bị loại trừ không được bảo hộ là công trình không thể dịch chuyển được bằng phương pháp và phương tiện thông thường. Ví dụ hình dáng bên ngoài của Keangnam Hanoi Landmark Tower là đối tượng loại trừ không được coi là kiểu dáng công nghiệp, lý do loại trừ vì nó có thể đạt tiêu chí tính mới, tính sáng tạo, nhưng dễ thấy nhất là nó không thể được chế tạo hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công;
– Nếu công trình xây dựng được chế tạo dưới dạng các mô đun (modular) hay các đơn nguyên riêng biệt, có thể dịch chuyển được và được sử dụng độc lập hoặc lắp ráp với nhau để tạo thành nhà lưu động, ki ốt (kios)... thì hình dáng bên ngoài của chúng lại thuộc đối tượng của kiểu dáng công nghiệp (không bị loại trừ), lý do không bị loại trừ vì nó có thể đạt tiêu chí tính mới, tính sáng tạo, và cũng có thể được chế tạo hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công, ví dụ công trình xây dựng nhà ở chống lũ (được sử dụng độc lập), nhà di động (có thể sử dụng độc lập hoặc lắp ráp với nhau):
Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm
– Hình dáng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp phải nhìn thấy được trong quá trình sử dụng mới thuộc đối tượng của kiểu dáng công nghiệp. Phần bên trong của sản phẩm, phần bị che lấp của chính sản phẩm đó cho dù có thể nhìn thấy được khi tháo, mở sản phẩm bị coi là không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm;
– Quá trình sử dụng sản phẩm được hiểu là quá trình khai thác công dụng của sản phẩm ở trạng thái tồn tại độc lập, ngoại trừ các công việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa sản phẩm.
– Kiểu dáng của máy làm tiền giả, dấu giả;
– Kiểu dáng của sản phẩm khiêu dâm, trái với chuẩn mực đạo đức,
– Kiểu dáng mang hình ảnh chân dung vĩ nhân, biểu tượng quốc gia, quốc tế nếu không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cũng cần lưu ý rằng những phần sản phẩm không thể tách rời để lưu thông độc lập thì không được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp. Khả năng lưu thông độc lập của sản phẩm được coi là không đáp ứng nếu sản phẩm có hình dáng bề ngoài là:
+ Phần sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm hoặc chỉ có thể tách rời bằng cách phá hủy sản phẩm và không có phần tương tự được sản xuất để thay thế
+ Phần bề mặt trang trí của sản phẩm được tạo ra trực tiếp trên bề mặt của sản phẩm hoàn chỉnh dưới dạng hoa văn, đường nét hoặc bằng cách sơn, vẽ trực tiếp trên bề mặt sản phẩm hoàn chỉnh, không tách rời ra khỏi sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi nào ?
– Không thuộc 1 trong các đối tượng nêu tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ;
– Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp
– Chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lên;
– Chủ đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn theo yêu cầu.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật Đại Nam về đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các thủ tục về sở hữu trí tuệ xin liên hệ:
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Tư vấn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo luật hiện hành
- Hướng dẫn tra cứu kiểu dáng công nghiệp
- Bảo hộ nhãn hiệu: Tạo sự phân biệt trong thị trường cạnh tranh