KPI là gì? Lương trả theo KPI được tính như thế nào?

by Nguyễn Thị Giang

KPI là một phương thức nhằm thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh đã được rất nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng cho nhân viên của mình. Vậy, KPI là gì? Lương trả theo KPI được tính như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, Luật Đại Nam sẽ gảii đáp thắc mắc trên của quý độc giả.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động năm 2019;
  • Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi năm 2012
  • Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

KPI là gì?

KPI viết tắt của cụm từ Key Performance Indicator. Cụm từ này được hiểu là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, một công cụ đo lường mức hiệu suất làm việc của người lao động. KPI được thể hiện qua con số, tỷ lệ, doanh thu nhằm phản ánh hiệu quả làm việc của một người lao động/một nhóm/một bộ phận trong doanh nghiệp.

Các chỉ số KPI giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá được việc thực hiện công việc của người lao động một cách minh bạch, rõ ràng, cụ thể, công bằng nhờ các số liệu cụ thể.Từ đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra các mức thưởng cho người lao động phù hợp với mức độ hoàn thành KPI của họ.

KPI là gì? Lương trả theo KPI được tính như thế nào?

KPI là gì? Lương trả theo KPI được tính như thế nào?

Lương KPI là gì? Lợi ích của lương KPI

Lương KPI là lương được trả theo hiệu suất công việc của nhân viên. Thay vì trả lương theo cách truyền thống thì hiện nay các doanh nghiệp sẽ áp dụng quy tắc KPI. Nhằm giúp nhân viên hiểu được vai trò và nhiệm vụ nhằm chủ động làm việc hiệu quả. Đồng thời nó còn đưa ra được những đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên. Góp phần thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp và quản lý nhân viên cấp dưới 1 cách hiệu quả .

Lợi ích của việc tính lương KPI

  • Khuyến khích những nhân viên tiềm năng và thu hút nhân tài
  • Quản lý tài chính công ty hiệu quả và mang tới sự hài lòng cho nhân viên
  • Nắm được những yếu kém của nhân viên để có cách khắc phục. Hỗ trợ giúp nhân viên phát triển toàn diện
  • Dễ dàng trong việc triển khai công việc và đánh giá xuyên suốt quá trình cũng như kết quả cuối cùng
  • Là căn cứ để tăng thêm quỹ thưởng cho nhân viên hàng năm. Nhờ đó khích lệ và công nhận năng lực của nhân viên
  • Góp phần phát triển doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực

Lương trả theo KPI được tính như thế nào?

Lương KPI được tính như thế nào tùy thuộc vào quy định của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số cách tính thường thấy dưới đây:

Tính lương hiệu quả theo hệ số KPI

Trong cách này có hai phương được áp dụng là lương 3P hoặc lương 2P.

– Phương pháp lương 2P là phương pháp trả lương theo vị trí công việc và kết quả công việc. Đây được hiểu là việc trả lương cố định theo vị trí chức danh cùng với khoản lương tương ứng với kết quả công việc mà người đó đạt được.

– Phương pháp lương 3P là cách trả lương dựa trên 03 yếu tố cơ bản: vị trí công việc, năng lực cá nhân và kết quả công việc. Phương pháp này được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng vì tính công bằng và nâng cao năng lực tổ chức bởi ngoài lương cứng, nhân viên còn được hưởng thêm lương hiệu quả, năng suất công việc.

Tính thưởng theo KPI

Cách này được áp dụng với những doanh nghiệp không muốn thay đổi quá nhiều quy chế lương cũ nhưng vẫn muốn áp dụng KPI để người lao động có động lực phấn đấu. Khi đó, KPI sẽ được coi là công cụ để tính ra một phần tiền thưởng, trả theo tháng, quý hoặc năm phản ánh hiệu quả làm việc của người lao động.

Bị trừ lương do không hoàn thành KPI đúng hay sai?

Ngoài việc đặt ra quy chế thưởng cho nhân viên khi hoàn thành đúng hạn KPI được giao, thì một số doanh nghiệp có quy định về quy chế phạt nếu nhân viên không hoàn thành tốt KPI. Theo đó, tùy vào mức độ không hoàn thành công việc mà người lao động có thể bị trừ một số tiền nhất định.

Tuy nhiên, việc cắt giảm lương đối với trường hợp này không đúng theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019, bởi chỉ có một trường hợp duy nhất được trừ lương người lao động, cụ thể:

“Điều 102. Khấu trừ tiền lương

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.”

Vậy nên, việc người lao động không hoàn thành nhiệm vụ mà doanh nghiệp tiến hành trừ lương cứng là hành vi trái pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp khấu trừ lương của người lao động không đúng quy định, sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Cụ thể, khoản 2 điều 6 của nghị định này tùy vào số lượng người lượng người lao động bị  khấu trừ lương trái quy định pháp luật, doanh nghiệp sẽ bị phạt theo các mức sau đây:

  • Vi phạm từ 01 – 10 người lao động: Doanh nghiệp bị phạt 05 – 10 triệu đồng.
  • Vi phạm từ 11 – 50 người lao động: Doanh nghiệp bị phạt 10 – 20 triệu đồng.
  • Vi phạm từ 51 – 100 người lao động: Doanh nghiệp bị phạt 20 – 30 triệu đồng.
  • Vi phạm từ 101 – 300 người lao động: Doanh nghiệp bị phạt 30 – 40 triệu đồng.
  • Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: Doanh nghiệp bị phạt 40 – 50 triệu đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải tiến hành trả lại đủ tiền lương cứng cho người lao động.

Lương KPI có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi năm 2012, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được xác định là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người lao động.

Trong đó, điểm b khoản 2 Điều này đã loại trừ một khoản phụ cấp, trợ cấp bao gồm:

  • Phụ cấp, trợ cấp cho người có công.
  • Phụ cấp quốc phòng, an ninh.
  • Phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
  • Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
  • Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi,… theo pháp luật về BHXH.
  • Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
  • Trợ cấp bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công.

Theo các căn cứ trên, lương KPI được xác định là thu nhập có tính chất tiền lương tiền công, đồng thời không thuộc các khoản được miễn thuế. Vì vậy, lương KPI sẽ được cộng vào tổng thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN. 

Tuy nhiên, chỉ những người lao động có tổng thu nhập cao mới phải đóng thuế TNCN.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: KPI là gì? Lương trả theo KPI được tính như thế nào? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488