Sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

by Lê Quỳnh

Hiện nay, một số người lựa chọn việc sống thử hoặc không đăng ký kết hôn để không phải chịu những ràng buộc của quan hệ hôn nhân. Vậy, việc sinh hoạt cùng nhau, coi nhau như vợ chồng như vậy có phải là đang vi phạm? Hãy cùng Luật Đại Nam tìm kiếm câu trả lời qua bài viết sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không? sau đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
  • Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Sống chung như vợ chồng không đăg ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Sống chung như vợ chồng không đăg ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Sống chung như vợ chồng là gì?

Căn cứ theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Theo đó, chung sống như vợ chồng ám chỉ các trường hợp nam, nữ có thể chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn theo luật định nhưng đã tiến hành tổ chức cuộc sống cùng nhau và thực hiện các nghĩa vụ khác như vợ chồng. Cụ thể:

– Nam, nữ đã tiến hành tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán nhưng không đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Nam, nữ sống chung với nhau được sự chấp thuận của hai bên gia đình nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn.

– Nam, nữ cùng sống chung, xây dựng gia đình, cùng quan tâm và chăm sóc lẫn nhau được mọi người chứng kiến.

Hậu quả pháp lý khi sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Căn cứ theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam, nữ sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Đồng thời quyền và nghĩa vụ đối với con, tài sản và nghĩa vụ, hợp đồng giữa các bên sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

Căn cứ theo Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết. Nghĩa là (theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình):

– Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;

– Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

-Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

Như vậy, nếu sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì nam, nữ sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng; hay nói cách khác hành động này sẽ không có giá trị pháp lý.

Sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Tại điểm c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có ghi:

2. Cấm các hành vi sau đây:

……..

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

……

Như vậy, việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn chỉ vi phạm pháp luật khi và chỉ khi: việc chung sống đó được diễn ra khi một trong hai đã có gia đình, hành động này làm phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác; việc chung sống đó đi trái lại với thuần phong mỹ tục hoặc gây ra những ảnh hưởng xấu đến xã hội, có khả năng làm gia tăng tỷ lệ sinh con cận huyết.

Tóm lại, pháp luật không khuyến khích việc nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Bởi điều đó vô hình chung làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như: không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, làm méo mó khái niệm hôn nhân đối với giới trẻ,….  Tuy nhiên, việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn chỉ vi phạm pháp luật trong hai trường hợp được nêu trên; nếu việc chung sống không làm ảnh hưởng đến xã hội thì điều đó có thể không bị pháp luật nghiêm cấm.

Trên đây bài tư vấn pháp lý về vấn đề sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không? do Luật Đại Nam cung cấp. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ quý độc giả vui lòng liên hệ:

LUẬT ĐẠI NAM

Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Xem thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488