Hiện nay có rất nhiều công ty lĩnh vực tài chính được thành lập. Vậy những công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này cần chuẩn bị những gì để được thành lập tại Việt Nam? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, hãy cùng Luật Đại Nam tìm hiểu về nội dung Thủ tục và giấy tờ pháp lý cần chuẩn bị khi thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Luật doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 Quy định định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều tại Luật Đầu tư 2020.
- Thông tư 30/2015/TT-NHNN.
Công ty tài chính nước ngoài là gì?
Công ty tài chính là doanh nghiệp thuộc loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Theo quy định tại khoản 8 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng nước ngoài là tổ chức tín dụng được thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài và được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính nước ngoài.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu Công ty tài chính nước ngoài là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng nước ngoài, được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Công ty tài chính nước ngoài có chức năng thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Hình thức công ty lĩnh vực tài chính vốn nước ngoài ở Việt Nam
Căn cứ điều 6 Luật các tổ chức tín dụng quy định về hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng thì công ty tài chính nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thành phần hồ sơ thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực tài chính
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 30/2015/TT-NHNN, thì hồ sơ thành lập công ty tài chính nước ngoài bao gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép do chủ sở hữu, thành viên sáng lập ký theo mẫu.
(2) Dự thảo Điều lệ của công ty tài chính nước ngoài đã được Hội nghị thành lập thông qua hoặc chủ sở hữu phê duyệt.
(3) Đề án thành lập công ty tài chính nước ngoài đã được Hội nghị thành lập thông qua hoặc chủ sở hữu phê duyệt, bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây:
– Sự cần thiết thành lập;
– Tên tổ chức tín dụng phi ngân hàng đề nghị thành lập, loại hình, tên tỉnh/thành phố nơi dự kiến đặt trụ sở chính, thời gian hoạt động, vốn điều lệ khi thành lập, nội dung hoạt động và khả năng đáp ứng các điều kiện hoạt động ngân hàng quy định đối với loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng đề nghị thành lập theo quy định tại Nghị định số 39/2014/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan;
– Năng lực tài chính của chủ sở hữu, thành viên sáng lập, thành viên góp vốn;
– Sơ đồ tổ chức và mạng lưới hoạt động dự kiến trong 03 năm đầu tiên;
– Danh sách nhân sự dự kiến, trong đó mô tả chi tiết trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và quản trị rủi ro đáp ứng được các yêu cầu của từng vị trí, chức danh:
+ Chủ tịch, thành viên, Hội đồng thành viên; Trưởng ban các Ủy ban thuộc Hội đồng thành viên;
+ Trưởng ban, thành viên, thành viên chuyên trách Ban kiểm soát;
+ Tổng giám đốc (Giám đốc), các Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng và người đứng đầu các đơn vị trực thuộc trong cơ cấu tổ chức;
– Chính sách quản lý rủi ro: Nhận diện, đo lường, phòng ngừa, quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác trong quá trình hoạt động;
– Công nghệ thông tin:
+ Kế hoạch đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, trong đó thuyết minh về hệ thống công nghệ thông tin dự kiến đầu tư đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các quy định của Ngân hàng Nhà nước;
+ Thời gian thực hiện đầu tư công nghệ; loại hình công nghệ dự kiến áp dụng; dự kiến cán bộ và khả năng của cán bộ trong việc áp dụng công nghệ thông tin; khả năng tích hợp và kết nối với hệ thống quản lý của Ngân hàng Nhà nước để cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hệ thống thông tin quản lý hiệu quả;
+ Hồ sơ về hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động;
+ Các giải pháp bảo đảm an toàn, bảo mật phù hợp với nội dung hoạt động dự kiến triển khai;
+ Nhận diện, đo lường và phương án quản lý rủi ro đối với công nghệ dự kiến áp dụng;
+ Dự kiến phân công trách nhiệm báo cáo và kiểm soát hoạt động hệ thống công nghệ thông tin;
– Khả năng phát triển bền vững trên thị trường:
+ Phân tích và đánh giá thị trường, trong đó nêu được thực trạng, thách thức và triển vọng;
+ Khả năng tham gia và cạnh tranh trên thị trường, trong đó chứng minh được lợi thế khi tham gia thị trường;
+ Chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động và nội dung hoạt động ngân hàng, đối tượng khách hàng, trong đó phân tích chi tiết việc đáp ứng các điều kiện đối với những nội dung hoạt động có điều kiện;
– Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ:
+ Nguyên tắc hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ;
+ Dự thảo các quy định nội bộ cơ bản về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tối thiểu bao gồm các quy định nội bộ theo quy định.
+ Nội dung và quy trình hoạt động của kiểm toán nội bộ;
– Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, trong đó tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau đây: Phân tích thị trường, chiến lược, mục tiêu và kế hoạch kinh doanh; các báo cáo tài chính dự kiến của từng năm (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và thuyết minh khả năng thực hiện các chỉ tiêu tài chính trong từng năm).
(4) Tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến:
– Sơ yếu lý lịch theo mẫu, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo quy định của pháp luật;
– Bản sao các văn bằng chứng minh trình độ chuyên môn;
– Các tài liệu khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan;
– Trường hợp người dự kiến được bầu làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) không có quốc tịch Việt Nam, ngoài các văn bản nêu trên, phải có văn bản cam kết đáp ứng đủ các điều kiện để được cư trú và làm việc tại Việt Nam.
(5) Biên bản Hội nghị thành lập thông qua hoặc văn bản của chủ sở hữu phê duyệt dự thảo Điều lệ, đề án thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng, danh sách các chức danh quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến và lựa chọn Ban trù bị, Trưởng Ban trù bị.
Thủ tục và giấy tờ pháp lý cần chuẩn bị khi thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 30/2015/TT-NHNN, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài như sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.
Bước 2. Chấp thuận nguyên tắc
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị yêu cầu bổ sung hồ sơ.
– Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận.
– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tài chính, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản nêu trên thì văn bản chấp thuận nguyên tắc không còn giá trị.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản.
Bước 3. Cấp phép
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Qua bài viết này hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc được những thông tin cần tìm hiểu về vấn đề Thủ tục và giấy tờ pháp lý cần chuẩn bị khi thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực tài chính. Nếu còn các vấn đề thắc mắc khác chưa được đề cập trong bài viết. Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Phân biệt thuế GTGT khấu trừ và trực tiếp
- Thuế GTGT hàng nhập khẩu là gì? Cách tính và khấu trừ
- Thuế GTGT hàng nhập khẩu có được khấu trừ không?