Tự ý nghỉ không xin phép có bị đuổi việc?

by Nguyễn Thị Giang

Khi làm việc tại một cơ quan tổ chức nào đó, người lao động bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc, nội quy làm việc tại cơ quan đó. Một trong những vấn đề hay gặp tại các đơn vị lao động đó là vấn đề tự ý nghỉ việc. Vậy Tự ý nghỉ việc không xin phép có bị đuổi việc không? Luật Đại Nam sẽ giải đáp thắc mắc của quý độc giả thông qua bài viết dưới đây

Caăn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019;
  • Luật việc làm 2013.

Khi nào người lao động bị coi là tự ý nghỉ việc?

Người lao động tự ý nghỉ nhằm mục đích đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

 Khi phát sinh quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động cùng kí kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với nhau, theo đó, nội dung của hợp đồng đề cập đến công việc và thỏa thuận, cam kết giữa các bên. Căn cứ theo Bộ luật lao động 2019 tại Điều 35, pháp luật quy định cụ thể về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động thì Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay mà không cần báo trước trong các trường hợp sau:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ
  • Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài các trường hợp nêu trên, người lao động vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải đảm bảo thời hạn báo trước như sau:

  •  Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  •  Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  •  Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
  •  Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Từ những điều kiện trên, có thể thấy người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu đáp ứng đủ điều kiện về mặt nội dung lí do nghỉ việc nếu chấm dứt ngay và không vi phạm về thời hạn báo trước đối với các trường hợp phải báo trước. Như vậy, có thể hiểu, khi người lao động đang tham gia trong quan hệ lao động mà tự ý nghỉ việc mà không đảm bảo những điều kiện trên thì đặt ra vấn đề ở đây là người lao động đang đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và đương nhiên người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi này của mình.

Tự ý nghỉ không xin phép có bị đuổi việc?

Tự ý nghỉ không xin phép có bị đuổi việc?

Người lao động tự ý nghỉ việc trong thời gian ngắn và vẫn tiếp tục làm việc tại công ty chứ không thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Đối với trường hợp này, căn cứ theo Khoản 4 Điều 125 Bộ luật lao động 2019, người lao động tự ý bỏ việc không đưa ra lí do chính đáng mà tổng thời gian nghỉ việc quá 05 ngày cộng dồn trong vòng 30 ngày hoặc trong vòng 365 ngày mà người lao động nghỉ quá 20 ngày cộng dồn, không cần liên tục thì người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức kỉ luật sa thải theo quy định tại Điều này. Việc áp dụng hình thức kỉ luật sa thải của người sử dụng lao động đối với người lao động không phải thực hiện bừa bãi theo ý chí chủ quan của phía người sử dụng lao động mà phải đảm bảo được thực hiện theo đúng với trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định, đối với cá nhân ra quyết định kỉ luật sa thải cũng phải là cá nhân có thẩm quyền, nếu người sử dụng lao động không tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi áp dụng hình thức này thì được coi là vi phạm pháp luật.

Hậu quả của hành vi tự ý nghỉ việc không xin phép của người lao động

Từ những căn cứ trên, dù người lao động tự ý nghỉ việc thuộc một trong hai trường hợp trên đều được coi là tự ý nghỉ việc trái pháp luật, khi đó người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Hậu quả pháp lí của vấn đề này không hề đơn giản, nếu người lao động không hiểu rõ và không tự ý thức được trách nhiệm của bản thân trong quan hệ lao động đã giao kết thì sẽ tự gây thiệt hại, bất lợi cho bản thân. Không những người lao động tham gia quan hệ lao động có đóng bảo hiểm xã hội, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tự ý nghỉ việc trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật đã nêu trên, người lao động còn không được hỗ trợ khoản chi phí trợ cấp thất nghiệp từ cơ quan bảo hiểm xã hội. Do vậy dù do bất cứ lí do nào, hoàn cảnh nào, người lao động luôn cần hiểu rõ quy định của pháp luật và điều lệ của của công ty, người sử dụng lao động để có thể tránh bất lợi cho bản thân một cách tốt nhất và tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Người sử dụng lao động cũng cần nắm rõ những quy định này để có hướng xử lí phù hợp nhất cho quyền lợi của cả hai bên.

Tự ý nghỉ việc không xin phép có bị xử lý không?

Như đã phân tích, tùy từng trường hợp nghỉ mà người lao động có thể phải xin phép người sử dụng lao động. Nếu thuộc trường hợp phải xin phép nhưng lại tự ý nghỉ làm, người lao động có thể bị coi là vi phạm kỷ luật lao động và bị xử lý kỷ luật tương ứng theo nội quy lao động.

Nặng nhất, người lao động tự ý nghỉ không phép còn có thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nếu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019:

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Theo đó, nếu không có lý do chính đáng mà nghỉ việc từ 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày thì người lao động có thể phải đối mặt với việc bị sa thải.

Thậm chí, người sử dụng lao động còn có thể đuổi việc ngay và luôn đối với người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

Như vậy, nếu tự ý nghỉ nhiều ngày mà không xin phép, người lao động hoàn toàn có thể bị sa thải hoặc bị đuổi việc.

Còn nếu chưa đến mức bị sa thải hoặc đuổi việc mà doanh nghiệp lại áp dụng đối với người lao động thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, người lao động có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc trực tiếp khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.

Bị sa thải do nghỉ việc không xin phép, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Luật việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp…”

Đối với trường hợp sa thải

Điều 34, Bộ luật lao động 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:

“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.”

Như vậy, sa thải không phải trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên người lao động vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Đối với trường hợp vi phạm thời hạn báo trước.

Điều 40, Bộ luật lao động 2019 quy định nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Như vậy, vi phạm thời hạn báo trước là việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật nên theo điểm a, khoản 1, điều 43 Luật việc làm 2013 thì thuộc trường hợp không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Tự ý nghỉ không xin phép có bị đuổi việc? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488