Làm việc bao lâu thì được công ty tăng lương?

by Nguyễn Thị Giang

Hầu hết người lao động đang đi làm đều trông chờ vào tiền lương cuối tháng để trang trải cuộc sống. Vậy, làm việc bao lâu thì được công ty tăng lương? Bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ những thắc mắc của quý khách hàng về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định 38/2022/NĐ-CP
  • Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH

Làm việc bao lâu thì được công ty tăng lương?

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, chế độ nâng bậc, nâng lương là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.

Khoản 6 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH đã hướng dẫn cụ thể về nội dung này như sau:

Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.

Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thời gian mà mức lương sau khi tăng hoặc ghi nhận về việc thực hiện việc tăng lương theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của công ty.

Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn nâng lương và mức tăng lương mà hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.

Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi “Làm việc bao lâu thì được tăng lương?” cần căn cứ cụ thể vào hợp đồng lao động đã ký hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế nâng lương của công ty.

Cùng với đó, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng yêu cầu phía công ty buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để thỏa thuận mức lương trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Do vậy, nếu hợp đồng lao động thỏa thuận thực hiện tăng lương theo quy định của công ty thì người lao động cần xem xét thang lương, bảng lương của công ty để biết thời điểm mình được tăng lương.

Làm việc bao lâu thì được công ty tăng lương?

Làm việc bao lâu thì được công ty tăng lương?

Có trường hợp nào bắt buộc công ty phải tăng lương hay không?

Mặc dù, điều kiện, thời gian và mức tăng lương của người lao động do các bên thỏa thuận, hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của công ty, tuy nhiên, nếu thuộc một trong 02 trường hợp dưới đây thì công ty bắt buộc phải tăng lương cho người lao động, cụ thể:

Trường hợp 1: Người lao động ký hợp đồng lao động sau khi hết thử việc

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Do đó, nếu trước đó mức lương thử việc thấp hơn lương chính thức (ít nhất bằng 85%) thì sau khi thử việc đạt yêu cầu, công ty phải ký hợp đồng lao động với người lao động ở mức lương cao hơn mức lương thử việc. Như vậy, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang nhận lương tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.

Trường hợp 2: Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 quy định tiền lương theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu; Như vậy, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang nhận lương tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.

Lưu ý: Theo hướng dẫn tại mục b, khoản 1.1 Điều 1 Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN về triển khai Nghị định 38/2022/NĐ-CP có nêu rõ đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động (bao gồm cả quy định nếu làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, người lao động phải được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng), thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Do đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.

Không tăng lương như đã hứa, công ty có bị phạt?

Nếu đã có thỏa thuận cụ thể về việc tăng lương thì cả người lao động và công ty đều có trách nhiệm phải thực hiện.

Theo đó, người lao động thỏa mãn các điều kiện tăng lương như thỏa thuận hoặc theo quy định của công ty đề ra thì công ty phải tăng lương cho người đó.

Nếu không thực hiện, công ty có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP về hành vi không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận.

Mức phạt này được căn cứ theo số lượng người lao động bị công ty vi phạm. Cụ thể:

  • Từ 05 – 10 triệu đồng: Vi phạm từ 01 – 10 người lao động.
  • Từ 10 – 20 triệu đồng: Vi phạm từ 11 – 50 người lao động.
  • Từ 20 – 30 triệu đồng: Vi phạm từ 51 – 100 người lao động.
  • Từ 30 – 40 triệu đồng: Vi phạm từ 101 – 300 người lao động.
  • Từ 40 – 50 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Trường hợp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, công ty còn bị phạt nặng hơn với sau:

  • Từ 20 – 30 triệu đồng: Vi phạm từ 01 – 10 người lao động.
  • Từ 30 – 50 triệu đồng: Vi phạm từ 11 – 50 người lao động.
  • Từ 50 – 75 triệu đồng: Vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề: Làm việc bao lâu thì được công ty tăng lương? Nếu có vấn đề gì mà bạn còn vướng mắc, liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn. Luật Đại Nam – Trao uy tín nhận niềm tin!

Liên hệ Hotline Luật Đại Nam để được tư vấn chuyên sâu nhất.

– Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488

– Yêu cầu dịch vụ: 0975422489 – 0967370488

– Email: luatdainamls@gmail.com

XEM THÊM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Contact Me on Zalo
0967370488