Đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm là thủ tục xác lập quyền cho nhãn hiệu của các sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất nhằm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vậy, đăng ký nhãn hiệu có tác dụng gì? Bài viết sau đây, Luật Đại Nam xin hỗ trợ thắc mắc của bạn về Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu?
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 và 2019
- Nghị định 22/2018/NĐ-CP: Về hướng dẫn luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan
Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu (trademark) là thuật ngữ đã được chuẩn hóa quốc tế. Pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều đưa ra định nghĩa nhãn hiệu dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó nên cũng có những điểm khác nhau. Là quốc gia phát triển sau, các nhà lập pháp Việt Nam đã tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển để đưa ra khái niệm mang tính khái quát, bao trùm hơn:
Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Mặc dù có những điểm khác nhau trong quy định pháp luật của mỗi quốc gia nhưng điểm giống nhau cơ bản là nhãn hiệu phải có chức năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác nhau. Bên cạnh đó, pháp luật các nước cũng như các Điều ước quốc tế đều không liệt kê một danh sách các dấu hiệu cụ thể mà chỉ đưa ra các loại dấu hiệu phổ biến có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Tại sao cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu?
Thực tế, không hiếm việc các nhãn hiệu có tên tuổi bị sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.
Do đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đây là một số lợi ích khi đăng ký nhãn hiệu:
Xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu
Khi đăng ký nhãn hiệu thành công và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ đối với quyền sử dụng nhãn hiệu đó. Không một cá nhân, tổ chức nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tương tự nhãn hiệu đó.
Bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác
Việc đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ trước mọi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu không có sự cho phép của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì các cá nhân, tổ chức khác không được quyền thực hiện các hành vi sau đây:
- Dùng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
- Dùng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
- Dùng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc.
- Dùng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, nếu sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc ấn tượng sai lệch về quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Tăng độ nhận diện nhãn hiệu với khách hàng
Đăng ký nhãn hiệu là một phương thức giúp công bố nhãn hiệu của doanh nghiệp tới công chúng. Khi nhãn hiệu đăng ký bảo hộ được công bố, một bộ phận lớn khách hàng sẽ được tiếp cận với nhãn hiệu. Nhờ đó, khách hàng có thể nhận diện được nhãn hiệu của doanh nghiệp với những nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức khác.
Khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ
Sau khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể khai được lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình như: Sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu… Cá nhân, tổ chức khác chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó khi có sự cho phép của doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó.
Quyền đăng ký nhãn hiệu
Theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
- Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó;
Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
- Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
- Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
- Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Qua bài viết này hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc được những thông tin cần tìm hiểu về vấn đề Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu do Luật Đại Nam cung cấp. Nếu còn các vấn đề thắc mắc khác chưa được đề cập trong bài viết. Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.
LUẬT ĐẠI NAM
Địa chỉ: Số 104 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam
Hotline Yêu cầu tư vấn: 0975422489 – 0961417488
Hotline Yêu cầu dịch vụ: 0967370488
Email: luatdainamls@gmail.com
Xem thêm:
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quyền tác giả trong lĩnh vực truyền hình
- Bảo hộ nhãn hiệu và phân quyền sở hữu trí tuệ
- Bảo hộ nhãn hiệu: Tạo sự phân biệt trong thị trường cạnh tranh